Người M’nông được xem là dân tộc bản địa của Đắk Nông, ngoài phong tục, tập quán, hệ thống các nghi lễ, lễ hội khá phong phú, đặc sắc, cho đến nay người M’nông vẫn còn lưu truyền được nghề đan lát với việc tạo ra các vật dụng, đồ dùng hằng ngày với độ tinh xảo và khéo léo khá cao. Tại Đắk Nông có rất nhiều bon làng của đồng bào M’nông vẫn còn duy trì được nghề đan lát, nhưng tập trung nhiều nghệ nhân có khả năng sáng tạo và kĩ thuật cao nhất phải kể đến là các nghệ nhân tại Bon Ting Wel Đăng, xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long.
Các sản phẩm ở đây được các nghệ nhân làm rất kỳ công, với kỹ thuật cài lóng mốt, đôi ba hoặc cài nan hình lục giác để tạo nên nhiều dạng hoa văn sinh động, đặc sắc như hình xương cá, quả trám, lượn sóng đan xen xung quanh thân và theo mảnh cùng với màu sắc cơ bản là màu da lươn, màu đen. Các sản phẩm đan lát sau khi hoàn thiện sẽ được đặt trên dàn bếp lửa để hun khói nhằm tạo thêm độ bền cho sản phẩm. Sản phẩm đan lát ở đây khá đa dạng từ vật liệu dùng hằng ngày như: rổ, nia, nơm,…còn có rất nhiều chiếc gùi được làm với nhiều kích thước, hoa văn khác nhau hay những chiếc bình nhỏ đựng hoa khá xinh xắn. Ngoài ra, các nghệ nhân còn làm riêng theo những thiết kế, yêu cầu của du khách.